Cùng con làm đồ chơi sáng tạo

2 năm trước 237
Cùng con làm đồ chơi sáng tạo - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thế Lộc bên các sản phẩm thủ công làm từ que đè lưỡi và vật dụng tái chế - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Ngoài ra, anh còn dạy và hướng dẫn cho con thực hành các kỹ năng sống.

"Chơi với con nít, mình được sống lại tuổi thơ. Người lớn đôi khi cái tôi quá lớn, áp chế, không đồng điệu, dẫn đến cha mẹ không hiểu con. Chúng ta cần chơi với con để hiểu con hơn.

Anh Nguyễn Thế Lộc

Giúp con tránh xa tivi, điện thoại

Làm bạn cùng con, đó là tiêu chí mà người cha này luôn hướng tới. Mỗi khi có thời gian, hai cha con bày biện đồ dùng khắp nhà để làm mô hình đồ chơi. Đến nay, hàng trăm mẫu sản phẩm được thiết kế.

Lớn lên ở vùng quê Gia Lai, gắn liền với tuổi thơ nghèo khó, thế nhưng với anh tuổi thơ ấy thật đẹp, tha hồ đùa nghịch, tìm tòi học hỏi. Những kỹ năng sống chẳng ai dạy nhưng vô tình đứa trẻ ở quê nào cũng biết. 

Nhận thấy cuộc sống thành thị hiện nay cha mẹ quá bận rộn với công việc, con cái thiếu môi trường trải nghiệm, thế giới trẻ thơ thu nhỏ trong chiếc tivi, iPad, điện thoại thông minh nên khi con gái 5 tuổi, anh tìm cách rủ con cùng làm các sản phẩm đồ chơi. Cách này rất hiệu quả, vừa kích thích sự sáng tạo của trẻ, vừa có món đồ chơi bổ ích. Con lại học thêm nhiều kỹ năng.

Từ các vật dụng tái chế như hộp khẩu trang, lõi cuộn chỉ, vỏ bánh cup cake, hộp bánh trung thu đến giỏ cắm hoa, nắp chai, qua bàn tay khéo léo, kiên nhẫn của anh biến thành món đồ thú vị. Anh cho biết một lần tình cờ được xem chương trình làm đồ tái chế của nước ngoài, anh bắt tay làm thử và cảm thấy khá hứng thú. Thế là lúc có thời gian, anh lại hí hoáy mang "đồ nghề" ra, nghiên cứu thêm nhiều mẫu để làm.

Một số sản phẩm đòi hỏi sự công phu và tinh xảo như: mô hình nhà thờ, đu quay, cối xay gió, ôtô... Đặc biệt, để con hiểu về vùng quê nơi anh lớn lên, anh dạy con làm mô hình giếng nước dùng hệ thống ròng rọc để kéo lên, tiệm chè với vài chiếc ghế bé xíu.

Ngoài chương trình học trên lớp, con anh không đi học thêm. Cuối tuần, cả nhà bên nhau, bày biện khắp nhà để cùng sáng tạo. Chỉ vào bức tranh làm từ que đè lưỡi, anh Lộc cười hiền: "Bức tranh này tôi và con gái làm mất 6 tiếng đồng hồ. Làm lâu như thế, thời gian đâu để đụng đến tivi, điện thoại nữa".

Nhiều người nói đồ chơi cho trẻ em không thiếu, sao phải mất công như vậy? Tuy nhiên, anh cho rằng mỗi sản phẩm được tạo ra là quá trình hình thành tư duy cho trẻ. Khi làm bé sẽ luôn "động não" tìm cách xử lý vấn đề và không ngừng sáng tạo. Đến nay, con gái 8 tuổi của anh rất mê làm đồ thủ công, đọc sách và không thích xem tivi hay chơi điện thoại thông minh.

Sản phẩm làm ra, ngoài phần giữ lại thì anh gửi cô giáo chủ nhiệm của con. Trong tuần, bé nào có thành tích tốt sẽ được tặng quà. Ngoài ra, anh cũng tặng một số trường học và tổ chức bán gây quỹ cho hoạt động từ thiện.

Mong ước mở xưởng sáng chế

Ngoài làm đồ chơi, anh Lộc còn dạy con rất nhiều kỹ năng sống để con luôn nhanh nhạy, xử lý tốt mọi tình huống. Trước đó, anh tham gia các lớp học kỹ năng để nắm chắc kiến thức. Từ những gì làm cho con, anh Lộc muốn lan tỏa đến các em nhỏ khác nên cùng một người bạn thành lập không gian Stem sáng chế ở quận Bình Thạnh (TP.HCM). 

Giáo dục Stem là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, theo cách tiếp cận liên môn và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Hiện lớp dành cho học sinh tiểu học và THCS.

Trước đó, anh Thế Lộc tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế. Sau thời gian đi dạy, anh chuyển sang phụ trách tài chính cho một tập đoàn. Khi mở không gian Stem sáng chế, anh chỉ nhận thỉnh giảng và nghỉ làm ở tập đoàn để chuyên tâm thực hiện các hoạt động cho trẻ em. Tại không gian sáng chế, các em nhỏ tự tay thiết kế và chế tạo các đồ chơi, mô hình đơn giản cũng như các mô hình ứng dụng công nghệ và thiết bị hiện đại như lập trình arduino, microbit, in 3D...

Song song đó, các em còn được học và thực hành kỹ năng sống. "Mình dạy kỹ năng định hướng, sử dụng thiết bị la bàn số và cho các bé ra công viên thực hành. Dạy về an toàn giao thông thì dắt xuống đường để thực hành thực tế. Rồi các kỹ năng như đứt tay, bị phỏng thì giải quyết thế nào?", anh nói.

Ngoài trẻ em, anh còn dạy cả phụ huynh kỹ năng chống đuối nước, sơ cứu thương ban đầu, xử lý khi có người đột quỵ. Cuối tuần, anh dẫn các bé đi rừng như rừng Nam Cát Tiên (Lâm Đồng), Mã Đà (Đồng Nai)... để học hỏi, trải nghiệm thực tế.

Trong tương lai, anh mong muốn tìm một khu đất không quá xa TP.HCM để xây dựng mô hình giáo dục trải nghiệm, sinh thái. Nơi đó các bé có thể trồng rau, ứng dụng công nghệ 4.0. "Đặc biệt, ở đó có xưởng sáng chế, chế tạo. Bạn nào nhỏ quá thì ngồi lắp ráp các mẫu sáng tạo, lớn chút thì tương tác thực hành, cao hơn có thể lập trình...", anh Lộc chia sẻ dự định.

Cùng Quận đoàn Bình Thạnh, anh Thế Lộc tổ chức những hoạt động cộng đồng về sống xanh như dạy làm sản phẩm tái chế, tổ chức triển lãm về tác hại của nhựa đối với môi trường, tuyên truyền giảm thiểu sử dụng nhựa. Cùng với đó, anh phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức lớp kỹ năng sống miễn phí. Trong năm 2021, anh dự định dạy 50 lớp sơ cứu thương ban đầu cho trẻ em và phụ huynh.

Làm hàng chục nghìn đôi vớ từ sợi chai nhựa tái chếLàm hàng chục nghìn đôi vớ từ sợi chai nhựa tái chế

TTO - Re.socks chỉ là một phần trong ước mơ của Bình về một cộng đồng tiêu dùng xanh. Bạn đang ấp ủ nghiên cứu các sản phẩm khác như quần áo, ví, balô, túi xách... làm từ rác tái chế, hoặc từ các chế phẩm nông nghiệp như bã ngô, lá dứa...

Nguồn bài viết