Cô gái thiết kế đồ họa mê sử Việt

3 năm trước 730
Cô gái thiết kế đồ họa mê sử Việt - Ảnh 1.

Đặng Thanh Huyên - Ảnh: NVCC

Đam mê đã nuôi dưỡng ý chí và nghị lực để cô gái xuất thân từ huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) trở thành một họa sĩ ngành thiết kế đồ họa, đam mê đã giúp cô gái chưa đến 30 tuổi làm được một cuốn sách có ý nghĩa với bản thân, với những người chung tâm huyết muốn giúp nhiều người trẻ hơn hiểu, trân trọng lịch sử đất nước.

Tự học và tự học

Mê vẽ từ nhỏ, may mắn sớm tự biết mình thực sự muốn gì, nhưng Huyên không có cơ hội để theo đuổi hội họa trong môi trường đào tạo chính thống. 

Nhiều người hẳn bất ngờ khi biết Huyên là cử nhân ngành quản lý đất đai chứ không phải tốt nghiệp từ một trường nghệ thuật bởi cha cô lo ngại con gái học mỹ thuật rồi công việc sẽ vất vả, long đong.

Nhưng đam mê luôn tìm ra lối đi riêng của nó. Trong những ngày tháng học đại học ở thành phố Vinh (Nghệ An), Huyên đã bắt đầu làm quen với máy tính và tất cả các phần mềm đồ họa như Manga Studio, Paint Tool SAI, Photoshop, những ứng dụng đồ họa mà khi còn học phổ thông Huyên không có điều kiện tiếp cận.

Các phần mềm đồ họa đã mở ra thế giới vô cùng mới mẻ và hấp dẫn với cô gái trẻ. Không được đi học vẽ ở trường lớp chính thống, nhưng suốt từ những năm đầu cấp II tới nay, chưa một ngày cô gái này không vẽ. 

Cũng ngay từ năm thứ hai đại học, cô sinh viên ngành quản lý đất đai đã có công việc làm thêm đúng với sở thích của mình: vẽ tranh thuê theo phong cách chibi (phong cách vẽ hoạt hình nhỏ nhắn, dễ thương). 

Máy tính và các ứng dụng đồ họa đã nối dài thêm những ước mơ ấp ủ, trở thành động lực để Huyên quyết tâm theo đuổi công việc đam mê này sau khi nhận tấm bằng đại học để làm yên lòng cha mẹ.

Hoàn thành khóa đào tạo cấp chứng chỉ đồ họa của một trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện tại Hà Nội, Huyên nộp đơn xin việc với quyết tâm sẽ tự bổ sung các kiến thức còn thiếu của ngành thiết kế đồ họa trong khi đi làm.

Hai năm đầu vừa học vừa làm ở Hà Nội là hai năm nhiều thử thách nhất với Huyên. Có không ít ngày cô phải làm việc liên tục 12 tiếng. 

Luôn tiếp cận vấn đề theo cách mọi thứ đều có thể học hỏi, và luôn phải tự học hỏi, mày mò để làm chủ ứng dụng đồ họa nhanh nhất khi công việc cần, Huyên đã tự học và sử dụng thành thạo các phần mềm như Adobe Illustrator, Premiere, After Effect, XD, Maya, Zbrush. "Những gì cần cho công việc em đều học cả. Trăm hay không bằng tay quen", Huyên chia sẻ.

Huyên tự nhận bản thân có năng khiếu về đồ họa, nên với bất cứ phần mềm nào, chỉ cần bắt tay vào việc, cô đều mau chóng nắm được cách sử dụng để đáp ứng công việc được giao.

Mỗi công ty có những phần mềm khác nhau, ở giai đoạn bắt đầu sự nghiệp, cô gái quyết định thử sức và học hỏi ở tất cả các loại công việc mà thiết kế đồ họa có thể đáp ứng như hoạt hình, truyện tranh, game, thiết kế sản phẩm (áo, banner quảng cáo, bao bì...), làm lịch...

Trái ngọt sau hơn năm năm nỗ lực tự rèn giũa đó với Huyên là chuyên môn vững vàng và cuộc sống tự lập ổn định hiện nay với nghề.

Từ mê sử Việt, văn hóa Việt...

Bận bịu là thế nhưng Huyên luôn dành một phần thời gian đáng kể cho niềm đam mê lớn không kém của cô: lịch sử Việt Nam.

Không chỉ là thành viên kỳ cựu của nhóm Đại Việt cổ phong, nơi gặp gỡ, giao lưu của các bạn trẻ đam mê sử Việt, Huyên còn có trang fangpage để chia sẻ những hình vẽ về các nhân vật lịch sử, trang phục truyền thống và trang sức của người Việt qua các triều đại phong kiến. 

Sau khoảng năm năm duy trì và không ngày nào không chia sẻ hình vẽ, tới nay trang riêng của Huyên đã thu hút hơn 10.000 lượt người theo dõi.

"Tất cả những bức tranh này tôi vẽ để phục vụ cộng đồng. Ai muốn lấy về dùng cũng được, miễn là ghi rõ nguồn tác giả" - Huyên nói, và kể lại thời gian đầu cũng bị các bậc tiền bối "mắng mỏ" nhiều vì những chi tiết thiếu chính xác trong các tranh vẽ. "Nhưng giờ thì mọi người bao dung hơn với tôi rồi" - cô cười cho biết thêm.

Đây cũng là nơi cô gái trẻ chia sẻ niềm đam mê với cổ phục Việt Nam mà theo cô "nếu biết khai thác thì vô cùng đẹp".

"Tôi thấy nhiều bạn bây giờ thường thích mặc trang phục truyền thống của các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản để chụp hình mà không biết rằng cổ phục của người Việt mình rất đẹp. Tất cả những gì có thể quảng bá được về văn hóa, lịch sử cũng như trang phục truyền thống của người Việt qua công việc, tôi đều nỗ lực hết sức", Huyên nói.

Việt sử diễn họa

Chính nhờ có "bước đệm" là các chia sẻ, phản hồi trên fangpage cá nhân, Huyên tự tin bước tiếp với cuốn sách tranh về lịch sử Việt Nam giản lược có minh họa thật đẹp để nhiều em nhỏ và ngay cả những người trẻ ngại sách vẫn có thể tiếp cận dễ dàng.

Ấp ủ dự định từ tháng 10-2019, nhưng phải tới tháng 3-2020 khi dịch COVID-19 bùng lên và phải giãn cách xã hội, Huyên đã tranh thủ khoảng thời gian này để dồn sức hoàn thành công việc.

Trong ba tháng liền sau đó Huyên làm việc gần như không nghỉ, mỗi ngày cô vẽ 1-2 bức. Ban đầu cũng định mời thêm người khác tham gia, song sau đó cô quyết định tự làm một mình để đảm bảo sự thống nhất về phong cách và tông màu của sách.

Cô đọng 4.000 năm lịch sử lại trong 208 trang sách tranh là thách thức lớn, nhất là phải làm sao để người đọc nắm được tổng thể và xuyên suốt các sự kiện trọng yếu nhất trong sự liền lạc của nó.

Do vậy Huyên chọn các sự kiện theo tiêu chí phải đảm bảo có đủ các nguyên nhân và hệ quả của mỗi mốc sự kiện quan trọng nhất, diễn biến có thể tùy chỗ lược bỏ.

Để tránh những tranh cãi nhạy cảm, Huyên chọn bám theo các sự kiện cơ bản nhất đã được đưa vào sách giáo khoa, nêu sự kiện và không bình luận. Bên cạnh đó, những điều tích lũy được qua rất nhiều cuốn sách sử đã đọc cũng khiến Huyên có cái nhìn rộng, bao quát hơn về lịch sử Việt Nam để có thể chắt lọc sự kiện đầy đủ, chính xác hơn.

 Cô bé mê sử ViệtCuộc thi Tự hào sử Việt: Cô bé mê sử Việt

TT - Vũ Hương Nam (lớp 6G Trường THCS Phan Chu Trinh, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) - cô học trò có biệt danh “3M” (Mèo một mí), với bài viết cảm xúc về bài hát Hội nghị Diên Hồng tham dự cuộc thi “Tự hào sử Việt” đã gây ấn tượng mạnh với ban tổ chức.

Nguồn bài viết