Các bãi biển Đà Nẵng được phép hoạt động trở lại với thời gian hạn chế

2 năm trước 235
Chú thích ảnhBãi biển Mỹ Khê là nơi yêu thích của người dân, du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: TTXVN

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 9/6, Đà Nẵng cho phép một số hoạt động, dịch vụ đã tạm dừng trước đây được hoạt động trở lại, cụ thể: Các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được bán, phục vụ khách tại chỗ, với điều kiện phải đảm bảo các điều kiện và biện pháp phục vụ tối đa không quá 50% công suất của nhà hàng, quán ăn và phục vụ tại chỗ không quá 21 giờ hàng ngày; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hướng dẫn phòng, chống dịch, trong đó lưu ý một số biện pháp như xét nghiệm SARS-CoV-2 cho chủ nhà hàng, quán ăn và nhân viên làm việc...

Các bãi biển được hoạt động trở lại, với thời gian tắm biển hàng ngày buổi sáng từ 4 giờ 30 đến không quá 7 giờ 30 phút, buổi chiều từ 16 giờ 30 đến không quá 18 giờ 30 phút. Người dân chỉ tắm biển tại các khu vực được phép và rời đi ngay sau khi tắm; không tụ tập vui chơi, chơi thể thao, ăn, uống, bán hàng rong... tại bãi biển; giữ khoảng cách ít nhất 1 mét với người khác; đeo khẩu trang trước và ngay sau khi tắm biển xong. Thành phố chưa cho phép dịch vụ tắm nước ngọt và các dịch vụ khác tại bãi biển, các khu vực công viên, vỉa hè ven biển (trừ dịch vụ trông, giữ xe, đồ đạc của khách theo quy định).

Chú thích ảnhLực lượng liên ngành tại điểm chốt Dự án tổ hợp du lịch và giải trí Cocobay hướng dẫn người dân thực hiện khai báo y tế điện tử. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Các cửa hàng cắt tóc nam, nữ được hoạt động trở lại, với điều kiện phải ký cam kết với chính quyền địa phương về thực hiện đúng các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch COVID-19; chủ cơ sở dịch vụ và nhân viên, thợ cắt tóc phải khai báo y tế bắt buộc hàng ngày...

Các sân thể thao ngoài trời… được hoạt động trở lại, với các điều kiện người chơi thể thao phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi đi bộ hoặc giải lao...

Các hoạt động đang tạm dừng vẫn tiếp tục tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.

Ngày 8/6, Đà Nẵng đã trải qua 21 ngày không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Lực lượng chức năng của Đà Nẵng đang điều trị 62 bệnh nhân COVID-19; thực hiện cách ly, giám sát 133 trường hợp F1 và 5 trường hợp F2.

* Chiều 8/6, thông tin từ Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, đến 18 giờ ngày 8/6, Hà Tĩnh đã truy vết được 539 trường hợp F1 của 10 ca bệnh phát hiện từ ngày 5/6; trong đó 506 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Chú thích ảnhCán bộ y tế lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân Tổ 4 phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh. Ảnh Công Tường/TTXVN

Theo đó, ngay sau khi ghi nhận các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, ngành y tế Hà Tĩnh cùng với các địa phương và lực lượng chức năng đã tiến hành truy vết, lập danh sách đối tượng có liên quan.

Đến 18 giờ ngày 8/6, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã truy vết được 539 trường hợp F1, trong đó đối với bệnh nhân P.C.C (phường Nguyễn Du, cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) vừa ghi nhận vào sáng 8/6 đã truy vết được 70 trường hợp F1. Ngành y tế Hà Tĩnh và các địa phương cũng đã xác định được 4.990 trường hợp F2 của các ca bệnh.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã có 506 trường hợp F1 âm tính lần 1 với SARS-CoV-2. Ngành y tế Hà Tĩnh cũng đã tiến hành xét nghiệm được 11.181 trường hợp F2 và người dân trong khu vực phong tỏa, tất cả đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong những ngày tới, ngoài việc tiếp tục tăng tốc truy vết các trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh, ngành y tế cùng với các địa phương, lực lượng chức năng sẽ thực hiện việc lấy mẫu, xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ các hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh (mỗi hộ dân một người).

Để thực hiện nhiệm vụ này, ngành y tế Hà Tĩnh đã huy động trên 400 cán bộ, nhân viên từ các cơ sở y tế trong toàn ngành. Bên cạnh đó, ngành y tế Nghệ An cũng sẽ chi viện cho Hà Tĩnh 52 cán bộ cùng các vật tư cần thiết để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu.

Trước đó, từ 12 giờ trưa 8/6, do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, nhất là khi ghi nhận thêm ca dương tính với SARS-CoV-2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly y tế trên phạm vi toàn thành phố Hà Tĩnh gồm 14 xã, phường (trừ xã Thạch Bình) với tổng số 24.759 hộ gia đình và hơn 10 vạn nhân khẩu.

Đến nay, toàn thành phố Hà Tĩnh đã thiết lập 27 chốt kiểm soát, đảm bảo kiểm soát 24/24 giờ đối với người và phương tiện ra, vào thành phố.

* Ngày 8/6, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 4429/UBND-VX3 về việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Chú thích ảnhNgười dân vào Vĩnh Phúc thực hiện khai báo y tế bằng mã QR tại Chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 số 1, cầu Xuân Phương, thành phố Phúc Yên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Các ứng dụng gồm VietNam Health Decleration (VHD), Tokhaiyte.vn, Bluezone, NCOVI.

Việc triển khai nêu trên áp dụng với người dân và các địa điểm kinh doanh, làm việc, giải trí; nơi tập trung đông người trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Sở Y tế tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện và trực tiếp hướng dẫn, thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực được giao; đảm bảo thực hiện nghiêm việc sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan thông tin trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân được biết và thực hiện nghiêm việc cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Nguồn bài viết