Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải việc cấp lại mật khẩu app VssID có thu phí

2 năm trước 479
Chú thích ảnhKhông ít người dùng phải đăng ký lấy lại mật khẩu do lâu ngày không dùng app VssID.

Anh Trong Thủy (Ba Đình, Hà Nội) khá ngạc nhiên khi hát hiện phải mất tiền phí tin nhắn khi gửi yêu cầu lấy lại mật khẩu trên ứng dụng VssID. Theo đó, khi không nhớ mật khẩu vào ứng dụng VssID, khi vào mục quên mật khẩu thông tin trả về từ ứng dụng VssID yêu cầu cấp lại mật khẩu về số điện thoại đã đăng ký, người dùng phải soạn tin nhắn theo cú pháp “BH MK [Mã số BHXH] và gửi tới đầu số 8079.

“Tôi khá bất ngờ, nhưng vì lúc đó quên thẻ BHYT nên phải dùng cách nhắn tin để xác định thẻ BHYT có lưu trên ứng dụng VssID”, anh Trọng Thủy cho biết.

Lý giải về việc này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết: Để giảm tải cho hệ thống của ứng dụng VssID, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng ứng dụng, từ ngày 22/10/2021, BHXH Việt Nam đã triển khai dịch vụ tin nhắn tới đầu số 8079 để lấy lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam.

Đại diện BHXH Việt Nam xác nhận thông tin trên đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dùng, trong đó nhiều người thắc mắc về lý do tại sao việc lấy lại mật khẩu ứng dụng phải trả phí. Cụ thể, khi nhắn tin theo cú pháp BH MK Mã số BHXH về đầu số 8079 để lấy lại mật khẩu của ứng dụng, nhà mạng sẽ thu phí dịch vụ 1.000 đồng, cơ quan BHXH không thu tiền dịch vụ này; Chỉ trường hợp quên mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID, người dùng mới sử dụng cách nhắn tin đến đầu số 8079 để lấy lại mật khẩu.
Mật khẩu cấp lần đầu, BHXH Việt Nam đã gửi tin nhắn SMS về số điện thoại đăng ký (đối với các tài khoản được phê duyệt trước ngày 22/10/2021), gửi về email đăng ký (đối với tài khoản được phê duyệt từ ngày 22/10/2021). Và khi người dùng ứng dụng chủ động đổi mật khẩu thì sẽ không mất phí.
Như vậy, để tiết kiệm chi phí cá nhân, BHXH Việt Nam khuyến nghị người dùng ứng dụng VssID nên: chủ động nhớ mật khẩu hoặc nếu quên mật khẩu (với mật khẩu người dùng chưa chủ động thay đổi) nên tìm lại mật khẩu đã được cơ quan BHXH cấp (trong tin nhắn hoặc email) và chủ động đổi mật khẩu dễ nhớ.
Đồng thời, người dùng dùng ứng dụng VssID còn có thể sử dụng chức năng đăng nhập ứng dụng bằng vân tay hoặc nhận dạng khuôn mặt.

Thông tin thêm về việc thu phí, đại diện BHXH Việt Nam cho biết: Thực tiễn quá trình sử dụng ứng dụng VssID của người dùng cho thấy, nhiều người dùng quên mật khẩu để đăng nhập ứng dụng và sử dụng chức năng “Quên mật khẩu” để lấy mật khẩu mới với nội dung tin nhắn Brandname như sau: “Cap lai mat khau thanh cong. Mat khau moi: 279419”. Bởi, tiện ích này được cơ quan BHXH cung cấp hoàn toàn miễn phí nên đa phần người dùng ứng dụng không có thói quen ghi nhớ mật khẩu của mình, mỗi lần sử dụng thay vì tìm mật khẩu đã được cấp để hoàn tất việc đăng nhập, lại thao tác quên mật khẩu.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến thời điểm 14h00’ ngày 18/10: Số lượng tài khoản VssID đã được phê duyệt là 21.635.070; Số lượng tin nhắn quên mật khẩu (gồm: 1 tin nhắn OTP để xác thực số điện thoại + 1 tin nhắn thông báo mật khẩu mới) là 11.366.788 tin nhắn. Như vậy, đã có khoảng gần 5,7 triệu lượt người (tương đương 26% số người có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH) sử dụng chức năng quên mật khẩu.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2021 đến ngày 15/10/2021 số người quên mật khẩu là 1.791.924 tăng 200% so với bình quân các tháng trước. Đặc biệt có những người trong 1 tháng báo quên mật khẩu tới hơn 40 lần. Đơn cử: Tháng 08/2021 số điện thoại 0327xxx686 quên 43 lần; Tháng 09/2021 số điện thoại 0377xxx835 quên 47 lần; Tháng 10/2021 số điện thoại 0366xxx286 quên 45 lần;...

Do đó, để giảm tải cho hệ thống, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người dùng ứng dụng VssID, việc BHXH Việt Nam triển khai hình thức cấp lại mật khẩu đăng nhập ứng dụng VssID qua phương thức nhắn tin đến đầu số 8079 là giải pháp hữu hiệu. Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ điều chỉnh ứng dụng VssID, phần mềm để người dùng có thể thực hiện thao tác cấp lại mật khẩu đăng nhập miễn phí qua email, thông qua ứng dụng VssID hoặc Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam.

Nguồn bài viết