Bảo hiểm xã hội là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội

3 năm trước 883

Ông có thể cho biết khái quát về những kết quả, thành tựu ngành BHXH Việt Nam đạt được trong năm 2020 - một năm nhiều khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, thưa ông?

Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế-xã hội tất cả các quốc gia, và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnhÔng Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Chính phủ khởi động mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Là cơ quan Chính phủ chuyên trách thực hiện các chính sách BHXH, BHYT - hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 như: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.

Tháng 11/2020, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp nên mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%;…

Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão lũ tại Miền Trung; đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; gần 167,3 triệu lượt người KCB BHYT;... Duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân).

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, chính sách BHTN cũng giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019…

Có thể thấy, vượt qua nhiều khó khăn, ngành BHXH vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhưng những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn kéo dài, điều này có ảnh hưởng gì đến việc thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết số 28 trong năm 2021, thưa ông?

Những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là đang hiện hữu với nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội khi nhiều doanh nghiệp phá sản, thu hẹp sản xuất, thu nhập của người dân, người lao động giảm. Tuy nhiên, những khó khăn trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH còn ở nhiều khía cạnh khác.

Chú thích ảnhBHXH hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn do thiên tai trong năm 2020.

Điều này đã được đề cập, phân tích, làm rõ trong Nghị quyết số 28. Nghị quyết nhận định, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục. Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa thực sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức.

Theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước hiệu quả thấp; tính tuân thủ pháp luật chưa cao. Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia BHXH.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam cũng có những tổng kết, nhận diện về một số tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Đó là hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc nhưng chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung; một số văn bản hướng dẫn triển khai luật BHXH, BHYT còn chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời.

Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia như: chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt...; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia.

Số người tham gia BHXH mới đạt trên 16 triệu người (chiếm khoảng 32,6% lực lượng trong độ tuổi). Như vậy, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67,4% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH. Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người khi hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn, tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội, tác động tiêu cực đến chính sách an sinh xã hội.

Số người tham gia BHXH tự nguyện mặc dù có sự gia tăng đột biến những năm qua, hoàn thành trước chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28 nhưng vẫn còn thấp so với tiềm năng; số người nhận BHXH một lần vẫn gia tăng hằng năm dẫn tới mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người lao động bị ảnh hưởng.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương; tính tuân thủ luật pháp ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa thực sự cao, tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phổ biến.

Những thách thức nêu trên đòi hỏi thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để BHXH thật sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ông có thể cho biết những giải pháp ngành BHXH Việt Nam cần thực hiện trong năm 2021 và thời gian tới?

Từ kết quả công tác BHXH đã đạt được và những tồn tại, thách thức đang đặt ra cho thấy, để đạt được những mục tiêu của Nghị quyết số 28 thì sự tham gia vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân đối với công tác BHXH là rất cần thiết và có tính tiên quyết.

Vì vậy, trong năm 2021, BHXH Việt Nam xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong xây dựng, hiện thực hoá các định hướng của Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; điều chỉnh điều kiện thời gian tham gia BHXH linh hoạt hơn, lương hưu được tính dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, chia sẻ và bền vững. Tăng cường liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH, chú trọng yếu tố thị trường trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp; thiết kế nhiều gói BHXH tự nguyện để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn phù hợp để tham gia và chuyển sang bảo hiểm bắt buộc khi có đủ điều kiện.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH; phát triển ngành BHXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH trong tình hình mới; đổi mới công tác tuyên truyền cả về nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, nhất là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tăng cường và rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên nguyên tắc đơn giản, dễ dàng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc công khai các thủ tục hành chính với người dân, cơ quan, đơn vị theo quy định.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xử lý nghiệp vụ ngành BHXH; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thường xuyên nâng cấp hệ thống các phần mềm nghiệp vụ, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; nghiên cứu, thực hiện việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT bằng thẻ BHXH điện tử.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nội bộ việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, đặc biệt công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác song phương, đa phương khu vực và thế giới trong lĩnh vực an sinh xã hội; Thu hút nguồn lực hỗ trợ của quốc tế để phát triển Ngành; Thúc đẩy đào tạo quốc tế phát triển nguồn nhân lực Ngành BHXH và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; đẩy mạnh thông tin đối ngoại quảng bá hình ảnh BHXH Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ; thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ, ý thức phục vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân; đoàn kết xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

Mục tiêu cụ thể, năm 2021, BHXH Việt Nam phấn đấu, phát triển đạt khoảng 35,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 28,5 lực lượng lao động tham gia BHTN.

Trong năm 2021, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Nguồn bài viết