An Giang công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đá trên sườn núi Cấm

2 năm trước 192
Chú thích ảnhDo ảnh hưởng mưa lớn khiến tảng đá lớn khoảng 35 tấn đã rơi xuống mặt đường tuyến đường chính lên núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Trước đó, ngày 11/10, mưa lớn hoàn lưu sau bão số 7 làm cho đất mất dần liên kết, cùng với sườn núi Cấm có độ dốc cao dẫn đến tình trạng sạt lở, tảng đá lớn khoảng 13m3 (nặng khoảng 35 tấn) đã rơi xuống mặt đường chính lên núi Cấm, đoạn từ Km4+600 đến Km4+650.

Theo đánh giá, việc sạt lở đá núi Cấm không gây thiệt hại về người, nhưng phía ta luy âm tại vị trí đang sạt lở này có khoảng 15 hộ dân với 46 nhân khẩu đang sinh sống và nhiều hộ dân khác sinh sống phía dưới ta luy âm của tuyến đường lên núi Cấm. Ngoài ra, còn nhiều vị trí có nguy cơ cao sạt lở đất trên sườn núi Cấm cần có giải pháp xử lý, khắc phục khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân trong khu vực và khách tham quan du lịch.

Trước tình tình đó, UBND tỉnh An Giang đã giao UBND huyện Tịnh Biên huy động các nguồn lực ứng phó với tình huống khẩn cấp như: kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đá trên sườn núi tuyến đường lên núi Cấm để các phương tiện qua lại, nhân dân trong khu vực biết mức độ nguy hiểm, chủ động phòng tránh; thông báo tạm dừng lưu thông tuyến đường chính lên núi Cấm, khoanh vùng nguy cơ ảnh hưởng và không cho người, phương tiện vào khu vực nguy cơ; bố trí lực lượng lập các chốt trực kiểm soát, điều tiết phương tiện giao thông và người dân lên, xuống núi Cấm qua khu vực nguy cơ này.

UBND tỉnh cũng giao huyện Tịnh Biên huy động lực lượng, phương tiện và các nguồn lực để sơ tán, di dời tạm thời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng; thực hiện các biện pháp tạm thời để ổn định đời sống nhân dân trong khu vực và tổ chức theo dõi diễn biến khu vực có nguy cơ sạt lở đá trên sườn núi Cấm, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.   

Nhằm ứng phó với tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Tịnh Biên khoanh vùng có nguy cơ sạt lở đá đặc biệt nguy hiểm, cảnh báo phạm vi sạt lở đá đặc biệt nguy hiểm; thiết lập hành lang an toàn và tổ chức theo dõi diễn biến sạt lở đá, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh giao Ban Quản lý Đầu tư xây dựng khu vực huyện Tịnh Biên là chủ đầu tư công trình xử lý khẩn cấp, khẩn trương lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát, tổ chức lập dự án khẩn cấp theo quy định tại Điều 13 - Nghị định 66/2021/NĐ-CP, ngày 6/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng thẩm định phương án thiết kế công trình xử lý khẩn cấp sạt lở đá trên sườn núi tuyến đường lên núi Cấm để làm cơ sở thực hiện.

Nguồn bài viết